Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của “tỉnh Thủ Dầu Một” Bình Dương

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Ngày nay, Thủ Dầu Một là trung tâm của tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn chỉ khoảng 20-30km. Dưới thời nhà Nguyễn, vùng đất mang tên Thủ Dầu Một vốn là trung tâm huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Lỵ sở huyện Bình An khi đó đặt tại thôn Phú Cường thuộc tổng Bình Điền.

Tên gọi Thủ Dầu Một xuất phát từ việc ngày xưa xứ này là một rừng cây dầu cổ thụ, xưa kia đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn, người ta quen gọi là Thủ Dầu Miệt, trong đó Thủ là “giữ”, còn “miệt” là vùng đất (giống như miệt xứ). Dần dần Thủ Dầu Miệt trở thành Thủ Dầu Một.

Ngày nay, hình tượng trái dầu xuất hiện chính thức tại một số công trình ở trung tâm Thủ Dầu Một, đó là tại chợ Thủ Dầu Một hoặc bùng binh ngã 6 Thủ Dầu Một.

Vào năm 1889, huyện Bình An tách khỏi tỉnh Biên Hòa để thành lập tỉnh mới mang tên Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ đặt tại Phú Cường. Ngày nay cái tên Phú Cường vẫn còn, là một phường của thành phố Thủ Dầu Một.

Là địa danh có lịch sử lâu đời, hiện nay vùng đất Phú Cường vẫn còn lại nhiều di tích thời Pháp, và khu hành chính của tỉnh Thủ Dầu Một nằm trên một ngọn đồi ở Phú Cường đã có từ khoảng 100 năm trước. Khu hành chinh này cũng đã từng là trung tâm hành chính của tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương, ngày nay là trung tâm hành chính của thành phố Thủ Dầu Một.

Lịch sử hình thành tỉnh Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có nhiều biến động với nhiều lần nhập tách ranh giới tỉnh. Tháng 10 năm 1956, chính quyền VNCH chia Thủ Dầu Một thành các tỉnh Bình Dương, Bình Long. Ngoài ra còn có tỉnh Phước Long được thành lập với phần đất được cắt từ 2 tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một (Tỉnh Bình Long và Phước Long đã nhập thành tỉnh Bình Phước hiện nay).

Khi mới được thành lập, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương đặt tại Thủ Dầu Một, nhưng lúc này gọi là thị xã Phú Cường. Đến năm 1976, chính quyền mới đã nhập 3 tỉnh cũ là Bình Dương, Bình Long, Phước Long thành tỉnh Sông Bé, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Đến năm 1996 thì tỉnh Sông Bé lại tách thành 2 tỉnh Bình Dương – Bình Phước như hiện nay.

Sau đây mời các bạn xem lại một số hình ảnh xưa của thị xã Phú Cường thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (trước 1956) và tỉnh Bình Dương (từ 1956 đến 1976):

Khu vực ngã 6 Thủ Dầu Một. Người chụp đang đứng ở vị trí nhà thờ Phú Cường. Ngoài cùng bên phải là đường Quang Trung. Kế đến chỗ cô gái áo dài đi xe đạp là đường Trần Hưng Đạo, qua bên trái là đường QL13 cũ (nay là CMT8). Người đi xe máy honda bên trái đang đi vào đường Yersin. Chỗ cây xăng hiện nay là công viên ngã 6, hay còn gọi là công viên Thủ Dầu Một ở ngay trước chùa bà Thiên Hậu. Ở ngoài cùng bên phải hình ngày này là tòa nhà Nguyễn Kim có cafe Highland ở tầng trệt.
Một phía của ngã 6 Thủ Dầu Một, chiếc xe jeep đang đi ra khỏi đường đường Quang Trung, bên phải hình là QL13 cũ (nay là CMT8). Tòa nhà trên dốc cao ngày nay vẫn còn, nằm phía sau điện máy Nguyễn Kim hiện nay. Ngoài cùng bên trái là đường Trần Hưng Đạo đi về phía chợ Phú Cường (chợ Thủ Dầu Một)

Ngay góc ngã 6 này là nhà thờ lớn nhất Bình Dương, đó là Nhà thờ chính tòa Phú Cường:

Ở vị trí này, từ năm 1864 đã có ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng, đến năm 1897 thì được xây lại ngôi nhà thờ thứ 2. Đến năm 1941 thì xây lại ngôi thứ 3, chính là nhà thờ trong hình này. Sau gần 70 năm sử dụng, ngôi nhà thờ này đã chập hẹp và xuống cấp nên ngôi nhà thờ thứ 4 (là nhà thờ hiện nay) được xây dựng và khánh thành năm 2014.

Cách Nhà Thờ không xa là ngôi chùa nổi tiếng của miền Nam, nơi hành hương của rất nhiều người vào tháng Giêng hàng năm, đó là Chùa Bà Thiên Hậu, được xây dựng từ khoảng 100 năm trước:

Nhắc đến Thủ Dầu Một, không thể không nhắc đến ngôi chợ đã được xây dựng từ năm 1935, đến nay vẫn còn giữ được phần nào dấu tích cũ:

Mặt tiền chợ có một tháp đồng hồ đến nay vẫn còn. Ngôi chợ hướng ra bờ sông Sài Gòn, là con sông ranh giới của Sài Gòn/Gia Định và Thủ Dầu Một. Đường dọc bờ sông này được gọi là đường Bạch Đằng. Ngay bờ sông chính diện có một bến tàu bên cạnh nhà bát giát gọi là chợ cá:

Những dãy nhà thương mại 2 bên chợ:

Hình ảnh chợ Phú Cường thập niên 1960:

Bên trái là đường Đoàn Trần Nghiệp, bên phải là đường Thái Lập Thành (nay là Nguyễn Thái Học). Khuông viên trước chợ ngày nay mở thêm một dãy chợ. Người chụp hình đang đứng ở đường Ngô Tùng Châu – Lý Thường Kiệt. Phía sau lưng người chụp hình ngay nay là khu nhà lồng chợ.
Dãy nhà trước chợ, đường Thái Lập Thành (nay là Nguyễn Thái Học)

Chính diện chợ Phú Cường
Ngôi nhà trong hình nay là tiệm vàng Kim Hoa ở góc đường Đoàn Trần Nghiệp – Lý Thường Kiệt
Phía sau lưng chợ, mặt giáp bờ sông

Một số hình ảnh ở bờ sông, bến Bạch Đằng xưa:

Cách không xa chợ, trên đường Hùng Vương là Chùa Ông Ngựa thờ ngựa Xích Thố, ngày nay vẫn còn sau gần 90 năm

Ở Phú Cường còn có một địa điểm nổi tiếng, đó là trường sĩ quan công binh trên đường Châu Văn Tiếp, thời Pháp là doanh trại Vassoigne của quân đội Pháp tại Thủ Dầu Một thập niên 1920, ngày nay là trường sĩ quan Công Binh nằm trên đường Nguyễn Văn Tiết.

Doanh trại Vassoigne 100 năm trước
Trường sĩ quan công binh thời VNCH
Ngôi trường này nhìn ra sông Sài Gòn, cách không xa cầu Phú Cường đi qua phía Củ Chi
Doanh trại Vassoigne thập niên 1920
Những dãy nhà kiên cố được xây theo kiến trúc Pháp của khu doanh trại vào thập niên 1920
Giờ thể dục của học sinh trường Thiếu Sinh Quân trong khu doanh trại

Ra khỏi trường Công Binh, đi về hướng Củ Chi qua cầu Phú Cường. Trước năm 1963, Củ Chi thuộc địa phận của tỉnh Bình Dương, trước khi tách ra để nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa. Tỉnh này chỉ tồn tại từ năm 1963 đến 1976.

Cầu Phú Cường, bên kia là địa phận Củ Chi

Một số hình ảnh khác của Thủ Dầu Một:

1930

Đường nối Thủ Dầu Một đến Sài Gòn đi qua khu vực Lái Thiêu

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn